Du lich Côn Đảo - Vào khoảng thế kỷ 18 tại làng Cỏ Ống có một gia đình nọ sống bằng nghề chài lưới và làm vườn. Ông làm chức Hương Câu, hai vợ chồng ông sinh hạ được một cậu con trai đặt tên là Trúc Văn Cau. Lớn lên, cậu con trai này có tiếng thông minh tài hoa nhất làng. Lúc đó trong làng cũng có cô Mai Thị Trầu là con gái duy nhất của ông Đinh và bà Bèo. Trầu là một thiếu nữ mặn mà duyên dáng, theo nghiệp bút nghiên, văn thơ hay chẳng kém chàng Cau.


Một hôm, nàng Trầu mang giỏ lên rừng bẻ măng, bỗng gặp chàng Cau đi thăm bẫy gà rừng, bên cạnh bờ suối Ông Tạ. Cả hai vốn có thiện cảm từ lâu nhưng chưa có cơ hội thuận tiện để tỏ tình luyến ái, mãi đến hôm ấy tình cờ gặp nhau trên rừng vắng, chàng Cau mượn câu ca dao cổ cất lên tiếng hát ướm thử lòng nàng xuân nữ.
“Gặp đây anh mới hỏi nàng
Cau xanh ăn với trầu vàng xứng không”

Nghe Cau khéo lựa một câu có tên chàng và có cả tên mình, nàng Trầu không khỏi bồi hồi xúc động, quả tim vàng hư cả mộng yêu đương. Nàng liền ứng dụng câu đối có hai từ của hai họ Trúc, Mai với giọng oanh vàng cất lên một cách tình tứ để đáp lại tình người quân tử:

“Mai vàng chen với trúc xanh
Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời”

Với bốn câu thơ này khi suy diễn, ta thấy một bức tranh tuyệt tác vì không những hai bên nói lên nỗi lòng thầm kín của mình , về mặt văn chương còn có các thú chơi chữ rất tao nhã, hai họ Trúc-Mai của chàng và nàng đối với hai câu Trầu, Cau thành một vế đối rất chỉnh. Sau khi có cơ hội trao đổi tâm tư thầm kín ấy, rồi hai mắt nhìn nhau cạn lời non nước, tay nắm tay kết chặt dải tâm đồng, lữa gần rơm lâu ngày cũng bén, sức nào ngăn được sóng biển tình.

“Song song như bóng với hình
Khi yêu thôi có tiếc thân mình nữa chi!”

Nhưng đây chỉ là mối tình thầm lặng giữa một đôi trai tài, gái sắc chớ nào đã được sự chấp thuận của kẻ bề trên. Vì cha mẹ cả hai bên đều chưa biết.

Một hôm chàng Cau ngỏ lời cùng cha xin cưới nàng Trầu làm vợ. khi thoạt nghe qua ông Hương Câu liền biến sắc, sau một vài giây nghĩ ngợi, ông gọi Cau đến bảo nhỏ rằng:

Không thể được đâu con ạ!
Chàng Cau hết sức ngạc nhiên vội hỏi:
Tại sao thưa cha?
Ông câu giải thích:

Việc này đáng lẽ cha phải cất kín mãi trong lòng vì nó can hệ đến một người khác, cha không có quyền tiết lộ. nhưng hôm nay cha không nói thật hai con sẽ lầm lạc mất. con ơi con có biết không! Nàng Trầu tiếng bên ngoài là con ông Đinh nhưng trong thầm kín thì nó là máu thịt của cha, tức là em cùng cha khác mẹ với con đó. Bởi vì trước ngày bà Bèo về với ông Đinh, bà đã mang thai với cha qua bao lần ân ái thầm vụng.

Vừa nghe xong mấy lời người cha tiết lộ, khác nào sét đánh ngang tai, chàng Cau hết sức đau khổ xót xa, thì ra người đẹp mà chàng thương yêu tha thiết từ lâu lại là em gái cùng cha khác mẹ với mình. Cau âm thầm bỏ xứ ra đi, thả bè trôi qua hòn đảo nhỏ cách làng Cỏ Ống có hơn mười dặm. đó là Hòn Cau ngày nay. Để lãng quên mối tình ngang trái, sau khi qua đó ít lâu chàng kết hôn với một nàng sơn nữ áo nâu và suốt đời ở luôn bên đó không về.

Thảm thương thay cho người cô phụ, nàng Trầu trong cơn hương lữa men nồng nàng đã mang thai, nỗi mừng chưa mãn nguyện thì bỗng dưng biệt tích vắng tăm. Nàng âm thầm đau khổ với đứa con mang nựng trong lòng và sớm hôm tựa cửa chờ ngày sinh nở, đứa con sắp chào đời mà chẵng thấy chàng về. đã đau lòng vì định mệnh quá khắt khe, thêm câu chuyện tư thông giữa mẹ nàng và ông Câu bị phát giát giác, nàng phẩn uất đến độ phải trầm mình tự tử để kết thúc cuộc đời tủi nhục. nơi nàng tuyệt mạng là một đầm nước gần bãi biển, ngày nay có tên là Đầm Trầu. chổ thung lũng mà nàng trầm mình ngày nay cát lấp, cây mọc thành rừng nhưng cái tên Đầm Trầu vẫn còn mãi với thời gian…

Cũng vì câu chuyện tư thông giữa Ông Câu và Bà Bèo bị tiết lộ, ông không chịu nổi dư luận đàm tiếu nên phải bỏ làng cỏ Ống lánh sang một bãi phía sau núi Chúa mà ở, sau ngày ông qua đời người ta gọi nơi ấy là Bãi Ông Câu. Đồng thời Bà Bèo cũng không sống nổi với tiếng bấc tiếng chì trong cảnhgia đình xào xáo nên bà phải bỏ nhà vô tận trong Bưng mà sống. nơi ấy sau gọi là Bưng Bà Bèo. Về phần ông Đinh cũng chẳng hơn gì, bởi quá đau buồn về chuyện vợ con, ông vào tu trong một hóc núi, bên cạnh con đường qua nhà người anh cả là Ông Cường. do đó sau này mới có tên Bãi Ông Cường và Hóc Ông Đinh.

Riêng có bà Tranh (vợ Ông Câu) tuy rất thương chồng và nhớ con song không tội gì phải bỏ đi đâu, nên bà vẫn yên phận nơi ngôi nhà cũ giữa khu vườn cây ăn trái sum xuê. Bà thọ hơn trăm tuổi mới mất, vì không có con thừa tự nên dân trong ấp được chia nhau thừa hưởng huê lợi khu vườn cây ăn trái củabà. Để ghi ơn của bà người dân trong ấp lấy tên bà đặt tên cho ấp. từ đó nơi này được gọi là Ấp Trảng Tranh.
Mấy câu hát ru sau đây do người làng Cỏ Ống từ thuở ấy đã đặt ra để diễn tả nổi niềm bi đát của chàng Cau và nàng Trầu:
“Đi đâu mà chẵng thấy về
Hay là quần tía dựa kề áo nâu?
Ai về nhắn với Ông Câu
Hòn Cau cách Bãi Đầm Trầu bao xa?.

Ngày nay mổi khi du khách ra đến Côn Đảo thì Bãi Đầm Trầu là một điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình về với xứ đảo.

 
Top