0
Chạy dọc theo dãi đất miền Trung từ đèo Ngang cho đến Bình Thuận chính là vương quốc Champa xưa. Dù hưng thịnh trong thời gian ngắn nhưng các vương triều Champa để lại nhiều di tích và nổi bật nhất là hệ thống đền tháp uy nghi với kĩ thuật độc đáo và nghệ thuật tuyệt vời. Từ thế kỉ 7 đến 17, dãi đất miền Trung đã đón nhận rất nhiều sự ra đời của tháp Chăm, mỗi tháp có một vẻ đẹp riêng cũng như mang trong mình một phong cách khác nhau.


Theo thống kê, hiện nay có trên 20 cụm tháp Champa còn sót lại được liệt vào danh sách những di tích có giá trị đặc sắc, cần được quan tâm và bảo vệ.

Tháp Poshanu – Bình Thuận


Đi từ miền Nam ra, tỉnh miền Trung đầu tiên tồn tại nền văn hóa Chămpa chính là Bình Thuận với cụm tháp Poshanu. Tọa lạc trên ngọn đồi Bà Nài, tháp Poshanu sừng sừng, hiên ngang giữa đất trời. Cụm tháp mang phong cách Hòa Lai với 3 tháp chính: Tháp chính A có 4 tầng hướng về phía Đông cao 15m, tháp B chếch về phía Bắc cao 12m, tháp C có cửa hướng về phía Đông cao 4m.


Du khách có thể kết hợp tham quan tháp Chàm với việc chiêm ngưỡng địa danh Lầu Ông Hoàng nơi chứng kiến thiên tình sử của thi sĩ Hàn Mạc Tử và nàng Mộng Cầm xinh đẹp.

Tháp Po Klong Garai – Ninh Thuận

Là cụm tháp đẹp và hùng vĩ nhất tại Việt Nam, tháp Po Klong Garai có kiến trúc, nghệ thuật, điêu khắc đạt đến đỉnh cao. Tháp nằm trên đồi Trầu, xây dựng khoảng thế kỉ 13 – 14 thời vua Chế Mân để thờ vua Po Klong Garai. Cụm tháp gồm nhiều công trình lớn nhỏ nhưng hiện tại chỉ còn lại 3 tháp: Tháp Cổng, tháp Lửa và tháp Chính – Nơi thờ vua Po Klong Garai. Mỗi cạnh, mỗi mặt của các tháp đều được trang trí bởi những nét chạm khắc trên nền gạch rất tỉ mỉ và công phu, những hình ảnh của đuôi rồng, hình lá, hình bò thần, chim muôn cùng hình ảnh những vũ nữ với vũ điệu Apsara hấp dẫn phản ánh rõ nét đặc sắc nghệ thuật của nền văn hóa Chămpa xưa.


Tháp Ponagar – Khánh Hòa

Tháp nằm tại thành phố du lich Nha Trang nên rất thuận tiện cho việc du khách kết hợp những tour du lịch biển đảo tại đây. Tháp là một trong những kiến trúc vào cỡ lớn nhất tại Việt Nam, bao gồm 3 tầng: tầng thứ nhất là tháp Cửa đã bị phá hủy, tầng thứ 2 là tầng giữa còn gọi là Mandapa rộng 15m, dài 20m, gồm 4 hàng cột hình bát giác có 10 cột lớn và 12 cột nhỏ, tầng cuối là nơi tọa lạc của các tháp.

Hàng năm vào ngày 21 đến 23 tháng 3 âm lịch, người dân cùng hàng ngàn du khách các nơi lại tề tựu về đây để dự lễ vía bà với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng của văn hóa Chăm.


Thánh địa Mỹ Sơn – Quảng Nam

Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999, Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo. Bắt đầu xây dựng từ thế kỉ 4, Thánh địa Mỹ Sơn là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của vương triều Chămpa và cũng chính là nơi cúng tế, chôn cất của nhiều vị vua, thầy tu quyền lực.

Tại Mỹ Sơn có khoảng 70 công trình kiến trúc làm bằng gạch đỏ nung và đá sa thạch trong thung lũng với đường kính 2km, mỗi thứ đều có giá trị vô cùng to lớn về mặt kiến trúc và thể hiện được nét văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Chăm.


Ngoài các tháp kể trên, khi đi dọc dãi đất miền Trung du khách có thể chiêm ngưỡng những tháp Champa khác như: tháp Hòa Lai, tháp Nhạn, tháp Chiên Đàn, tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên… Đừng bỏ qua cơ hội khám phá nền văn hóa Champa huyền bí trong hành trình du lịch miền Trung của bạn. 

Đăng nhận xét

 
Top